Ngành cơ khí: Hướng tới thị trường hơn 300 tỷ USD

(Báo công thương) Theo dự báo, tổng nhu cầu thị trường cơ khí của Việt Nam từ nay đến năm 2030 có thể đạt 310 tỷ USD. Nhưng, hiện nay ngành cơ khí Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng gần 1/3 nhu cầu sản phẩm trong nước.

Nâng cao năng lực doanh nghiệp nội

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện có khoảng 25.014 doanh nghiệp (DN) cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh, chiếm gần 30% tổng số DN công nghiệp chế biến, chế tạo, với doanh thu thuần là 1.465.008 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 1.123.545 lao động. Tuy nhiên, các DN cơ khí nội địa phổ biến là quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh trong lĩnh vực cơ khí. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành cao và gần như chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.

Theo lý giải của ông Nguyễn Ngọc Thành – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) là do: Các DN cơ khí Việt Nam tính liên kết còn hạn chế; yếu tố tạo lập thị trường, liên kết vùng, nhân sự, lao động… vẫn còn nhiều hạn chế.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Cường – Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hikari Việt Nam – cho hay: Những năm qua, DN cơ khí đã có bước đột phá, trong đó phải kể đến một số DN trong lĩnh vực ôtô như Vinfast, Thành Công, Thaco… tuy nhiên, họ vẫn coi cơ khí là phụ trợ. Trong tương lai xa, ngành cơ khí đòi hỏi sự phát triển về nguyên vật liệu, khuôn mẫu, gia công chế tạo chứ không chỉ gia công cắt gọt đơn thuần.

Ngành cơ khí: Hướng tới thị trường hơn 300 tỷ USD
Doanh nghiệp cơ khí nội địa phổ biến là quy mô nhỏ

Xác định đúng nhu cầu thị trường

Theo Bộ Công Thương, để vực dậy ngành cơ khí Việt Nam, cần xác định nhu cầu thị trường, chỉ rõ những khoảng trống để phát triển những lĩnh vực mà ngành có thể cạnh tranh được. Ngoài việc tạo thị trường cho DN, các cơ chế, chính sách phải linh hoạt để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất.

Ông Nguyễn Ngọc Thành cho rằng, ngành cơ khí cần tạo dựng được thị trường trong nước. “Từ nay đến năm 2030, nhu cầu thị trường cơ khí khoảng 310 tỷ USD, riêng nhu cầu thị trường ôtô là 120 tỷ USD nhưng hiện Việt Nam mới đáp ứng 1/3. Cơ hội để chúng ta tiếp cận thị trường thế giới cũng rất lớn. Nếu tạo ra giá thành, thị trường ổn định… thì cơ khí Việt Nam có cơ hội phát triển” – ông Nguyễn Ngọc Thành phân tích. Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương thường xuyên nghiên cứu, xây dựng và báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển cơ khí chế tạo, sản xuất các sản phẩm cơ khí trọng điểm, cơ khí phục vụ nông nghiệp.

Theo Cục Công nghiệp, hiện nay, ngành cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở ba phân ngành gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy, cơ khí gia dụng và dụng cụ, ôtô và phụ tùng ôtô. Đây là những phân ngành chủ yếu hướng tới xuất khẩu hoặc phục vụ doanh nghiệp FDI với vai trò của công nghiệp hỗ trợ. Tức là tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Số liệu thống kê cho thấy, ba phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước.

Bộ Công Thương đã trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam, trong đó trọng tâm là tạo cơ chế ưu tiên sử dụng sản phẩm cơ khí trong nước đối với các dự án đầu tư lớn có sử dụng nguồn vốn đầu tư nhà nước.